Nghiên cứu chỉ ra rằng nồng độ pH của máu giảm do nồng độ CO2 trong không khí leo thang là một trong những nguyên nhân khiến đại dịch béo phí hoành hành.

Tranh cãi nổ ra sau khi một nhóm nhà nghiên cứu tuyên bố sự gia tăng của nồng độ carbon dioxide (CO2) trong không khí là một trong những nguyên nhân khiến đại dịch béo phí hoành hành.

Không khí ô nhiễm “gây béo phì”

Nhóm nghiên cứu của Đại học Copenhagen tại Đan Mạch tuyển 6 nam giới để thực hiện một thử nghiệm. Họ yêu cầu 6 người bước vào các phòng đặc biệt, nơi nhóm nghiên cứu có thể điều chỉnh nồng độ CO2.

Sau 7 giờ rưỡi, nhóm nam giới được phép ăn thực phẩm một cách thoải mái. Nhóm nghiên cứu nhận thấy những người đàn ông ở trong phòng có nồng độ CO2 cao hấp thu lượng calories lớn hơn 6% so với những người ở trong phòng có nồng độ CO2 bình thường, Livescience đưa tin.

Arne Astrup, một nhà nghiên cứu thuộc khoa Béo phì và Dinh dưỡng của Đại học Copenhagen, cho rằng tính axit trong máu người tăng và nồng độ pH của máu giảm do nồng độ CO2 trong không khí leo thang.

Do tính axit trong máu tăng, các tế bào thần kinh orexin – loại tế bào xử lý cảm giác thèm ăn, và rất nhạy cảm với tính axit trong máu – hoạt động mạnh hơn khiến con người ăn nhiều hơn. Vì thế lượng CO2 trong không khí càng lớn thì con người càng dễ béo phì.

Do ô nhiễm không khí

Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Duke (Bắc Carolina, Mỹ), ô nhiễm không khí cũng là một thủ phạm không ngờ tới của chứng bệnh béo phì. Kết quả nghiên cứu này có thể là câu trả lời cho nghi vấn vì sao tỷ lệ mắc bệnh béo phì và tiểu đường tăng một cách chóng vánh trong vòng 50 năm qua.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã theo dõi sự phát triển của những con chuột trong môi trường mô phỏng không khí ngoài trời của Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) – một trong những thành phố ô nhiễm nhất hiện nay và nhận thấy chúng có sự thay đổi khác thường về quá trình trao đổi chất, đi kèm với đó là sự tăng cân nhanh chóng so với những con chuột được nuôi trong môi trường không khí trong sạch.

Tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Junfeng Zhang, cho biết: “Trước đây, chúng ta chỉ nghĩ rằng ô nghiễm không khí có tác động xấu đối với hệ hô hấp hay gây ra các bệnh về tim mạch. Giờ đây, nó thậm chí còn ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và cân nặng của mỗi người”.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề tác động của ô nhiễm đến béo phì được đề cập trong những nghiên cứu khoa học. Trước đó, một nghiên cứu được thực hiện tại miền Nam bang California (Mỹ) cho thấy những người sống tại khu vực giao thông đông đúc, không khí bị ô nhiễm có xu hướng có chỉ số cân nặng cao hơn những người sống tại khu vực khác.

Cần hàng ngàn tỷ cây xanh để giảm thiểu lượng khí CO2

Phân tích mới về những cánh rừng trên thế giới chỉ ra rằng, chúng ta còn đủ diện tích để trồng thêm 1,2 nghìn tỷ cây xanh, là lượng cần để hấp thụ hết CO2.

Cụ thể, 3 nghìn tỷ cây xanh trên toàn cầu hiện đang hấp thụ 400 gigatons CO2. Dựa theo công thức này, nếu chúng ta tăng quy mô lên thêm 1 nghìn tỷ cây xanh nữa tức là lượng CO2 được hấp thu cũng nâng lên hơn 100 gigaton. Và với 4 nghìn tỷ cây xanh luôn hiện hữu, lượng CO2 được thải ra do các hoạt động của con người, trong ít nhất 1 thập kỷ sẽ được “dọn sạch”.

Nhà nghiên cứu Crowther cũng khẳng định thêm về sự hiệu quả của cây xanh: “Không giống như những giải pháp công nghệ cao để chống lại sự biến đổi khiến hậu, ví dụ: hệ thống hấp thụ cacbon, cây xanh là một phương án tối ưu bởi bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể trồng ít nhất một cái cây”.

Bên cạnh những điều trên, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng phải công nhận rằng, cây xanh là một điều tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng. Cây xanh giúp con người ở các khu đô thị cảm thấy hạnh phúc và ít ngột ngạt hơn. Chúng góp phần cải thiện chất lượng không khí, chất lượng nước, giữ đất khỏi sạt lở và vô vàn những điều đẹp đẽ khác!

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn (29/8/2019)